Đây từng là một từ thường dùng trong thời kỳ chiến tranh, nhất là ở miền Bắc. Những ai đã đi bộ đội Cụ Hồ đều không xa lạ gì đối với từ này.
Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự Bộ Quốc phòng, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1996): “Thu dung, toàn bộ các biện pháp đón nhận thương binh, bệnh binh, quân nhân lạc ngũ, rớt lại sau đội hình hành quân. (…) Các đội, trạm thu dung giúp đỡ những người được thu dung về y tế, vật chất, đưa trả họ về đơn vị hoặc đưa đến bệnh viện gần nhất” (trang 756).
Có hai loại hình thu dung: một là các đội thu dung thường di chuyển phía cuối đội hình hành quân, hai là các trạm thu dung được bố trí tại vị trí nghỉ ngắn hoặc nghỉ dài của các tuyến đường hành quân.
Từ ngữ quân sự được sử dụng thời chiến, sau đó đi vào cuộc sống thường nhật cả trong thời bình.
Đến nay, anh em cán bộ Đoàn vẫn hay nói, hay viết: điểm danh quân số, ngày hội quân chiến sĩ tình nguyện, chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành vượt mức kế hoạch…
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2016) đã định nghĩa theo cách dùng thường ngày, ngắn gọn như sau: “Thu dung (động từ): đón nhận và cho ở”.
Thu dung theo nghĩa này cũng được Đào Duy Anh ghi nhận trong Hán Việt tự điển giản yếu (1932). Bạn đọc nào biết chữ Hán đều rõ: thu (收, bộ Phác) được dùng với nghĩa “lấy về / nhận về”; dung (容, bộ Miên) được dùng với ý nghĩa “chứa đựng /bao gồm”.
Như vậy, thu dung trong trường hợp này có nghĩa là tổ chức tiếp nhận và bố trí nơi ăn ở cho các bệnh nhân COVID – 19 để khám và điều trị cho họ.